| | | |
| |
(Dân trí) - Hình thức thi theo cụm trường và chấm chéo các tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ bị “xóa bỏ” và chỉ còn thu hẹp lại trong từng địa phương. Một lần nữa Bộ GD-ĐT lại “cải cách” kì thi theo hình thức “ngược thời gian”. >> Thi tốt nghiệp THPT 2012: Không bắt buộc thi cụm trường, xóa chấm chéo Trước đây, Sở GD-ĐT của các địa phương vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong khâu tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và tỷ lệ đỗ cả nước vào lúc đó luôn dừng lại ở những con số khá ấn tượng. Khởi nguồn của sự quyết tâm cải tiến kì thi tốt nghiệp THPT được hâm nóng vào năm 2006 với sự kiện chấn động “Giám thị tố… giám thị” ở Hà Tây. Sau những “rùm beng” này, Bộ GD-ĐT đã trực tiếp bắt tay vào công cuộc chấn chỉnh.
Điều động gần 9.000 thanh tra ủy quyền là giảng viên các trường ĐH, CĐ trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2007 Bộ GD-ĐT đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ kết quả đó xã hội bắt đầu tin tưởng vào chủ trương xóa bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử… của ngành giáo dục.
Giao cho địa phương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT là hướng đi đúng nhưng Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên khi guồng quay mới bắt đầu đi vào hoạt động trơn tru thì ngành giáo dục lại đối mặt với hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Một lần nữa, với sức ép xã hội đè nặng lên vai Bộ GD-ĐT lại đứng ra gánh vác giải quyết với hàng loạt biện pháp như phụ đạo HS yếu kém, tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT lần 2…
Năm 2009, với mục tích nâng cao chất lượng tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT chính thức áp dụng “thi cụm, chấm chéo”. Cũng chính từ việc chấm chéo này đã tạo nên “xì căng đan” ở 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long khi “thỏa hiệp” đáp án chấm thi.
Sau 5 năm nỗ lực tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT, năm nay dự kiến Bộ GD-ĐT lại quay về mốc ban đầu: giao cho các giám đốc Sở GD-ĐT đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm trước Bộ.
Bỏ chấm chéo là hợp lý
Theo GS Văn Như Cương, việc bỏ thi cụm, chấm chéo và giao tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD-ĐT là điều nên làm. Việc tổ chức kì thi có nghiêm túc hay không phải xuất phát từ phía cơ sở chứ không phải từ phía Bộ GD-ĐT.
GS Cương cũng cho rằng, nếu một Hội đồng thi nào đó có ý định tiêu cực thì dù Bộ GD-ĐT có cử mật độ thanh tra dày đến đâu cũng không có tác dụng. Bên cạnh đó từ lớp 1-12 đều do địa phương quản lý từ khâu tuyển đầu vào cho đến giảng dạy thì không có lý gì đến khâu cuối cùng là tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT Bộ lại phải can thiệp vào.
Với việc Bộ đứng ra tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT như những năm qua thì Sở GD-ĐT chẳng dại gì mà làm hết mình. Vì có vấn đề gì thì đó là trách nhiệm của Bộ chứ không phải là của Sở.
Đồng với quan điểm này, GS Nguyễn Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phân tích thêm: “Một số giáo viên từng tâm sự với tôi là hình thức chấm chéo giữa các tỉnh như một sự xúc phạm đối với đội ngũ thầy cô. Hình thức như vậy khác gì bảo ngành không tin tưởng thầy cô chấm bài suy rộng ra nghĩa là không tin tưởng trong công tác giảng dạy”.
GS Hạc cũng cho rằng, việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT như những năm qua là rất cồng kềnh và tốn kém nhưng hiệu quả thì không cao. Ngoài ra ngay cả trong quan điểm tổ chức thi chúng ta cũng chưa nhất quán, có người thì đánh giá cần phải tổ chức thi thật nghiêm nhưng có người thì lại quan niệm đó chỉ là kì thi để đánh giá HS sau 12 năm đèn sách.
Dưới góc độ đơn vị thực hiện, ông Hoàng Đức Minh - phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu phân tích: “Nếu như chúng ta vẫn duy trì được một lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ hùng hậu như năm 2007 thì sẽ rất hiệu quả. Nhưng thực tế 2 năm trở lại đây với mật độ mỏng từ 7-10 người/tỉnh thì thanh tra ủy quyền gần như là không có hiệu quả. Thử hỏi chỉ từng đó người mà thanh tra cả một tỉnh thì làm sao kham nổi. Việc Bộ có chủ trương sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT như dựa thảo đưa ra là điều hết sức hợp lý. Khi giao kì thi cho địa phương chắc chắn họ sẽ phải làm tốt hơn bởi lúc đó trách nhiệm của giám đốc Sở GD-ĐT là nặng nề hơn”.
Bộ GD-ĐT nên giám sát thế nào?
Khi giao việc tổ chức kì thi cho các Sở GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT nên giám sát quản lý như thế nào để đảm bảo cho kì thi nghiêm túc và khách quan? Trước câu hỏi này, GS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Đây chính là việc mà Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu để tìm ra hướng giải quyết chứ không nên như mọi năm cứ ôm đồm lo việc của các địa phương”.
Cũng theo GS Cương, có rất nhiều hình thức để Bộ GD-ĐT giám sát qua đó phân tích đánh giá khâu tổ chức thi của từng địa phương. Chẳng hạn như Bộ GD-ĐT có Cục công nghệ thông tin, đây là đơn vị đầu mối của mọi số liệu. Hàng năm dựa trên số liệu điểm thi của hai kì thi (kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ) chúng ta có thể đánh giá phần nào tính trung thực, khách quan của các địa phương. Vấn đề mấu chốt đặt ra là Bộ GD-ĐT phải xử lý mạnh tay đối với những địa phương “gian dối”.
“Việc giao cho địa phương tổ chức thi cũng có những mặt tích cực của nó. Chẳng hạn như các địa phương sẽ nhìn nhau mà thực hiện nên họ cũng không thể “thả nổi” kì thi bởi khi Bộ GD-ĐT hậu kiểm phát hiện ra dấu hiệu tiêu cực thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ với những tỉnh khác”
GS Nguyễn Văn Hạc thì lại cho rằng, để tổ chức một kì thi nghiêm túc cần phải có hai yếu tố chính. Thứ nhất là đạo đức và trách nhiệm của hiệu trường các trường THPT và đội ngũ nhà giáo. Thứ hai, quy chế thi phải chặt chẽ và phải xử lý nghiêm những nhà giáo vi phạm.
Theo GS Hạc, ngoài hai yếu tố này thì các địa phương cũng cần phải có quan niệm đúng về việc thi. Hiện nay một số địa phương vẫn đặt ra chỉ tiêu đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm, chính yếu tố này đã tạo sức ép cho đội ngũ nhà giáo. “Tôi mong rằng sẽ không có sức ép từ phía UBND các tỉnh và chúng ta cũng không nên lấy tỉ lệ đỗ tốt nghiệp để chạy theo thành tích” - GS Hạc nói.
Nguyễn Hùng [/justify] |
|
|
 Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục | |
|
 Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục | |
| |
Trả lời nhanh |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | | | Trang 1 trong tổng số 1 trang | |